TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
CÔNG TÁC GIÁO DỤC
3 PHONG TRÀO
3 CHƯƠNG TRÌNH
XÂY DỰNG ĐOÀN
Sáng ngày 13/01/2025, Liên đội trường THCS Tân Tiến tổ chức buổi tuyên truyền phòng chống pháo nổ, tai nạn thương tích, tăng cường đảm bảo an toàn trật tự, an toàn trường học dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho toàn thể học sinh nhà trường.
Trong những năm qua, các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong nhân dân vào các dịp trước, trong và sau tết đã gây nhiều ảnh hưởng xấu đến đời sống và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của đất nước. Theo thống kê, mỗi năm có hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị thương do pháo và thuốc pháo gây nên. Ngoài ra khi đốt pháo, tiếng nổ đinh tai cũng gây tiếng ồn lớn, góp phần gây "ô nhiễm âm thanh" ở các thành phố. Về kinh tế, trước đây mỗi năm riêng việc đốt pháo của các gia đình Việt Nam đã tiêu tốn nhiều chục tỷ đồng, đó là chưa tính đến việc bắn pháo hoa công cộng. Trong khi đó, chúng ta còn là một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, còn nhiều vùng khó khăn rất cần sự quan tâm đầu tư, còn rất nhiều người nghèo cần sự chia sẻ đùm bọc miếng cơm manh áo.
Chính vì các tác hại nghiêm trọng nêu trên, ở nước ta đã có quy định cấm đốt pháo và được đại đa số dân chúng tự giác chấp hành. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 406/CT-TTg ngày 08/8/1994 "Về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo"; Năm 2009, ban hành Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 "Về quản lý, sử dụng pháo".....đến ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo. Nghị định 137/2020/NĐ-CP đã quy định một số điểm mới phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý Nhà nước và đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm về pháo.
Quy định về sử dụng pháo hoa
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định thì: Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Như vậy, pháo hoa ở đây được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng đốt chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ(pháo hoa không có thuốc pháo nổ là các sản phẩm như: Que, nến khi châm lửa đốt phụt ra các tia sáng đủ màu sắc).
Về sử dụng pháo hoa thì tại Điều 17 Nghị định 137 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. (đó là các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng )
Trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ; trường hợp nếu đốt pháo tại nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015. Mọi người dân tự ý thực hiện các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ đều là trái phép, sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc theo quy định của pháp luật....
Hiện nay vấn đề tai nạn thương tích đang được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt là tai nạn thương tích đối với trẻ em do tính phổ biến cũng như mức độ trầm trọng của nó.
Tai nạn thương tích là gì?
Tai nạn thương tích là những sự kiện xảy ra ngoài ý muốn của chủ thể, gây nên những tổn thương hoặc rối loạn chức năng cho cho cơ thể con người.
Tai nạn thương tích (TNTT) rất dễ xảy ra vì ở lứa tuổi các em học sinh THCS thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích.
Nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích?
Có thể thấy tai nạn thương tích hiện nay đều có thể bắt nguồn từng những sự kiện, hiện tượng diễn ra thường xuyên trong cuộc sống. Các nguyên nhân gây thương tích thường gặp đối với trẻ bao gồm:
– Ngã: là những trường hợp tai nạn thương tích do bị ngã, rơi từ trên cao xuống hoặc ngã trên cùng một mặt bằng.
– Hóc, sặc, vật sắc nhọn đâm, cắt:
– Đánh nhau: là các hành động sử dụng vũ lực đánh đập người, nhóm người, các cộng đồng khác dẫn đến tai nạn thương tích, tử vong, tổn thương tinh thần, chậm phát triển.
– Đuối nước: Là những trường hợp tai nạn thương tích xảy ra khi bị chìm trong chất lỏng như nước, xăng, dầu… dẫn đến ngạt thở do thiếu oxygen hoặc ngừng tim dẫn đến tử vong trong vòng 24 giờ phải cần đến sự chăm sóc y tế hay bị các biến chứng khác.
– Bỏng: Là tổn thương một hoặc nhiều lớp tế bào da khi cơ thể tiếp xúc với chất lỏng nóng, chất rắn nóng, lửa. Các trường hợp tai nạn thương tích khác ở da do sự phát xạ của tia cực tím hoặc phóng xạ, điện, chất hóa học cũng như bị tổn thương phổi do bị khói xộc vào cũng được xem là những trường hợp bị bỏng.
– Điện giật: Là những trường hợp tai nạn thương tích do tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện dẫn đến bị thương hoặc tử vong.
– Ngộ độc do hóa chất, thực phẩm: Là những trường hợp hít phải, ăn vào, tiêm vào cơ thể các loại độc tố dẫn đến tử vong hoặc các loại ngộ độc khác cần đến sự chăm sóc y tế.
– Tai nạn giao thông: Là những trường hợp tai nạn xảy ra do sự va chạm bất ngờ, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người; chúng thường gây nên khi các đối tượng tham gia giao thông hoạt động trên đường giao thông công cộng, đường chuyên dùng hoặc ở các địa bàn giao thông công cộng khác… Do chủ quan vi phạm luật lệ giao thông hay do gặp phải các tình huống, sự cố đột ngột không kịp phòng tránh nên đã gây ra thiệt hại, thương tổn đến tính mạng và sức khỏe.
MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH TAI NẠN THƯƠNG TÍCH:
Rất nhiều tai nạn thương tích nghiêm trọng tại trường học có thể phòng tránh được nếu giáo viên, cha mẹ học sinh và các em có ý thức và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa trước như sau:
- Phòng ngã:
+ Không chạy nhảy, đùa nghịch đặc biệt không đu, không trượt các lan can cầu thang; không gây gỗ đánh nhau; không mang đến trường những vật sắc, nhọn nguy hiểm như: dao, súng cao su…..
- Phòng tránh tai nạn giao thông:
+ Thực tốt luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy….
+ Không được tự đi xe hon đa đến trường. Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện.
+ Không tụ tập trước cổng trường dễ gây ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Nhắc cha mẹ đưa rước xếp xe ngay ngắn trước cổng trường, không gây ùn tắc giao thông cổng trường. Các xe đưa rước cần đảm bảo đủ các điều kiện về an toàn giao thông khi hợp đồng cùng cha mẹ học sinh khi đưa rước con em.
- Phòng tránh bỏng:
+ Phòng thí nghiệm phải có nội quy, hướng dẫn an toàn hóa chất, an toàn điện….
- Phòng tránh đuối nước:
+ Tìm hiểu luật đường thủy; Không tắm sông, ao, hồ.. khi đi qua sông đi đò phải mặc áo phao cứu sinh. Học sinh phải được học bơi và biết bơi.
- Phòng tránh điện giật:
+ Thực hiện an toàn điện để đảm bảo.
- Phòng tránh ngộ độc thức ăn: Phải ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi
+ Không ăn quà, thức ăn chưa biết rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng….
Chào Xuân mới và mừng Tết Nguyên đán 2025 cổ truyền của dân tộc, mỗi giáo viên và học sinh trường THCS Tân Tiến cần phải thực hiện tốt các vấn đề sau:
1. Không sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo, không tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, thường xuyên thực hiện nghiêm túc Nghị định 137/2020/NĐ-CP 1 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán .
2. Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo; không tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ.
3. Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, mỗi người hãy báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời theo pháp luật.
Nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống các loại pháo, vũ khí, vật liệu nổ là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá, mừng Đảng, mừng xuân, đón mừng năm mới vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Buổi tuyên truyền đặc biệt nhấn mạnh: Ngày Tết, có nhiều trò chơi lý thú hấp dẫn chúng ta, tuy nhiên trong số đó lại có một số trò nghịch rất nguy hiểm, đó là tình trạng nghịch pháo và các chất nổ. Thực tế, đã có nhiều trẻ em thiệt mạng, hay mang theo mình dị tật suốt đời vì nghịch pháo. Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của vấn đề, nhà nước ta đã có quy định về phòng chống cháy nổ, nghiêm cấm tàng trữ, sử dụng tất cả các loại pháo và chất cháy nổ. Thực hiện tốt chủ trương này không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn là cách để chúng ta tự bảo vệ mình và những người xung quanh.